Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple – SKMOBILE
Giỏ hàng

Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple?

Cứ mỗi lần bắt chước theo Apple, các clip và hình ảnh chế giễu trước đây lại âm thầm bị các hãng xóa bỏ.

 

Tuần trước Samsung đã chính thức giới thiệu flagship mới Galaxy S21. Đồng thời công ty cũng chính thức xác nhận việc sẽ bỏ củ sạc tặng kèm trong hộp đựng thiết bị mới này, thay vào đó, người dùng sẽ chỉ còn một sợi cáp C-to-C và que chọc SIM đi kèm mà thôi. (Tuy nhiên, Galaxy S21 bản Trung Quốc vẫn có củ sạc đi kèm)

Như vậy, không lâu sau khi đăng clip chế nhạo việc Apple bỏ củ sạc, đến giờ cả Xiaomi và Samsung đều đã học tập theo - bỏ củ sạc tặng kèm trong các flagship mới nhất của mình. Đáng nói hơn cả khi đây không phải lần đầu các hãng Android làm vậy.

 

Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple? - Ảnh 1.

Hộp đựng Galaxy S21 sẽ chỉ có máy, dây sạc và que chọc SIM

Trong quá khứ, Apple từng là hãng đi đầu trong nhiều xu hướng làm người dùng khó chịu như như bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm kể từ iPhone 7, thiết kế màn hình tai thỏ. Cũng giống như việc Apple bỏ củ sạc, ban đầu các hãng smartphone khác cũng lên tiếng chế nhạo động thái của Apple, nhưng rồi sau đó, dần dần họ cũng bắt đầu đi theo xu hướng mình từng chế nhạo.

Bắt chước Apple sẽ an toàn hơn

Cho dù là hãng khởi xướng các xu hướng làm phiền người dùng khi cắt bỏ một số tính năng quen thuộc, Apple lại hiếm khi nào gặp vấn đề về doanh số iPhone sau mỗi động thái đó. Trên thực tế, ngay cả khi chỉ có iPhone, iPad cùng cửa hàng ứng dụng App Store, Apple đã dựng nên một hệ sinh thái khiến người dùng không muốn rời khỏi đó.

Đó là lý do người dùng có thể chấp nhận những thay đổi mà Apple đưa ra – dù bất tiện hơn – nhưng chừng nào các thay đổi đó không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Apple, người dùng vẫn sẽ chấp nhận các thay đổi đó và nâng cấp lên thiết bị mới.

Quả thật, việc bỏ tai nghe, màn hình tai thỏ hay bỏ củ sạc chẳng ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái Apple. Người dùng vẫn có cho mình một chiếc iPhone hoặc iPad có bộ xử lý mạnh mẽ cùng các ứng dụng khai thác được hết sức mạnh đó cũng như một hệ điều hành ổn định với khả năng kết nối liền mạch giữa các thiết bị trong hệ sinh thái.

 

Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple? - Ảnh 2.

Các điện thoại bỏ jack cắm tai nghe đang ngày càng phổ biến hơn

Không những thế, việc bỏ tai nghe càng làm hệ sinh thái này vững chắc hơn. Khi những tai nghe True Wireless vẫn còn lạ lẫm với đa số người dùng, AirPods của Apple đã nhanh chóng thống trị thị phần và củng cố hơn nữa hệ sinh thái này bằng khả năng kết nối liền mạch riêng có của Apple.

Cùng lúc với việc người dùng trong hệ sinh thái Apple chấp nhận những thay đổi đó, ngay cả người dùng bên ngoài hệ sinh thái Apple cũng quen thuộc với các bất tiện này. Hàng trăm triệu người mua iPhone mới mỗi năm bất chấp các bất tiện mà Apple mang lại cũng dần khiến người dùng bên ngoài dần chấp nhận chúng.

Điều đó tạo nên sự an toàn cho các hãng Android khi chạy theo xu hướng mà Apple khởi xướng, dù có thể nó làm khách hàng phiền toái hơn trong khi sử dụng. Nói cách khác, ngay cả khi không phải là người đầu tiên làm vậy, nhưng Apple mới là người khởi đầu nhiều xu hướng, dù chúng thuận tiện hay bất tiện hơn đối với người dùng.

 

Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple? - Ảnh 3.

Học tập Apple còn có nhiều lợi nhuận hơn

Apple không phải thánh thần hay nhà từ thiện, mọi hành động của họ cuối cùng vẫn nhằm mục đích mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn – các thay đổi kể trên cũng không phải ngoại lệ.

Bỏ đi cổng cắm tai nghe 3.5mm gần như buộc mọi người dùng iPhone phải tìm đến các tai nghe không dây AirPods để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của mình. Cho đến nay, mỗi năm phụ kiện nhỏ bé này đã đóng góp hàng tỷ USD vào tổng doanh thu của Apple cũng như trở thành cầu nối để lôi kéo thêm người dùng mới vào hệ sinh thái của công ty.

Điều tương tự cũng đúng với động thái bỏ củ sạc tặng kèm đối với iPhone. Người dùng sẽ phải bỏ thêm tiền để mua củ sạc rời bên ngoài nếu cần, thậm chí họ phải mua đúng củ sạc của Apple mới có thể sử dụng tính năng sạc nhanh trên iPhone 12 mới. Đó là chưa kể việc bỏ củ sạc còn giúp công ty tiết kiệm chi phí cho củ sạc, hộp đựng cũng như chi phí vận tải.

 

Toàn khởi đầu xu hướng xấu, nhưng sao các hãng khác cứ chạy theo Apple? - Ảnh 4.

Bỏ củ sạc giúp hộp đựng Xiaomi Mi 11 mỏng không kém iPhone mới

Sự thành công về doanh thu và lợi nhuận của mỗi thay đổi này đối với Apple cũng là sức hút hấp dẫn các hãng Android khác học tập theo. AirPods từng là người thống trị thị trường tai nghe không dây True Wireless trong thời gian đầu, nhưng giờ đây thị trường đã tràn ngập các sản phẩm tai nghe không dây, đến từ cả các thương hiệu smartphone cũng như các thương hiệu âm thanh khác.

Vào thời điểm iPhone X bắt đầu xuất hiện, màn hình tai thỏ đã trở thành dấu ấn riêng có của Apple. Nhưng sau đó, dấu ấn này nhanh chóng bị xóa nhòa khi hàng loạt thương hiệu smartphone Trung Quốc đã nhanh chóng bắt chước nó và ra mắt vô vàn kiểu dáng tai thỏ na ná nhau đến nỗi gần như không thể phân biệt được chúng nếu chỉ nhìn từ mặt trước.

Có lẽ điều tương tự cũng sẽ xảy đến với thị trường củ sạc rời. Mới đây nhất, Xiaomi đã bắt đầu bán lẻ các củ sạc nhanh của mình với công suất gần như lớn nhất hiện nay, lên đến 55W và 65W. Tương tự một số hình ảnh rò rỉ về củ sạc 65W của Samsung cũng đã xuất hiện trước khi Galaxy S21 chính thức ra mắt. Có lẽ phụ kiện này sẽ được công ty bán lẻ trong thời gian tới.

Rất có thể khi Apple bắt đầu công bố các báo cáo thu nhập cho thấy, những củ sạc bán lẻ của công ty mang lại nhiều tiền như thế nào, nhiều nhà sản xuất khác nữa sẽ bắt đầu tham gia vào sân chơi này.

 

Theo Genk.vn

TƯ VẤN MIỄN PHÍ: | 0838366666| 0333674444 số 130 Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội
Facebook Youtube Tiktok Top