TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ CAMERA SELFIE ẨN DƯỚI MÀN HÌNH TRÊN ZTE AXON 20 5G: ĐÁNH ĐỔI QUÁ LỚN
Giống như mọi công nghệ mới khác trên smartphone, camera selfie ẩn dưới màn hình vẫn còn quá non nớt để có thể trở nên đại trà trong tương lai gần.
Vào đầu tháng này, thương hiệu ZTE của Trung Quốc đã gây tiếng vang trên thị trường khi ra mắt chiếc Axon 20 5G, smartphone thương mại đầu tiên trang bị công nghệ camera selfie ẩn dưới màn hình. Sau đó, đến lượt VinSmart trình làng Vsmart Aris Pro với điểm nhấn tương tự. Cả hai chiếc smartphone này đều khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, cũng như tạo nên sự hào hứng trong cộng đồng người dùng công nghệ, khi giấc mơ về một chiếc điện thoại tràn viền thực sự, không có khiếm khuyết đã gần hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều hãng sản xuất tỏ ra không mấy mặn mà với "công nghệ của tương lai" này. Câu trả lời rất đơn giản: sự đánh đổi về chất lượng ảnh chụp là không thể tránh khỏi. Nó là giới hạn về mặt vật lý, cũng giống như tai nghe Bluetooth true wireless sẽ luôn có độ trễ. Như CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ, quyết định ra mắt chiếc Axon 20 5G của ZTE là một quyết định dũng cảm. Bản thân Bkav, với tiêu chí đặt chất lượng camera lên hàng đầu, không sẵn sàng đánh đổi dù đã được chào mời loại màn hình hỗ trợ camera ẩn.
Và mới đây, VnReview đã có dịp trải nghiệm nhanh chiếc ZTE Axon 20 5G mượn từ cửa hàng Dienthoaihay.vn và qua đó hiểu được những suy nghĩ hiện tại của các nhà sản xuất smartphone. Camera selfie ẩn dưới màn hình chắc chắn sẽ là chìa khóa để chúng ta tiến tới tương lai smartphone tràn viền không khiếm khuyết, nhưng ở thời điểm hiện tại, công nghệ này vẫn còn quá non nớt để thay thế những giải pháp như màn hình đục lỗ, giọt nước,...
Công nghệ camera ẩn dưới màn hình được hiện thực hóa như thế nào?
Về cơ bản, bản thân màn hình OLED là một tấm phim rất mỏng, có thể nhìn xuyên qua được. Trên tấm phim màn hình OLED có chứa các bóng đèn LED rất nhỏ với mật độ dày đặc, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mật độ bóng đèn LED này càng dày đặc, độ phân giải của màn hình càng cao và mức độ nhìn xuyên qua càng thấp.
Hình ảnh của một tấm nền OLED, cũng trong bài chia sẻ của anh Nguyễn Tử Quảng
Để công nghệ camera ẩn dưới màn hình trở nên khả thi, các hãng sản xuất màn hình sẽ làm giảm mật độ bóng đèn LED tại khu vực có camera, để ánh sáng có thể đi vào cảm biến hình ảnh. Tuy nhiên, nếu giảm hết bóng đèn LED để có chất lượng camera tốt nhất, khu vực đó sẽ không thể hiển thị hình ảnh nữa, cũng chính là thiết kế đục lỗ "nốt ruồi" mà chúng ta thường thấy hiện nay. Như vậy, việc giảm bóng đèn LED sẽ có giới hạn, và theo anh Nguyễn Tử Quảng chia sẻ, hiện tại, con số là 50%.
Ảnh chụp cận cảnh khu vực chứa camera selfie bị ẩn của ZTE Axon 20 5G, số lượng điểm ảnh bị giảm đi đáng kể so với xung quanh
Ảnh chụp nhanh bằng camera macro từ điện thoại, chúng tôi có nhỏ một giọt nước lên khu vực này để dễ nhìn thấy điểm ảnh hơn.
Với lượng ánh sáng vào cảm biến bị giảm đi như vậy, hiển nhiên chất lượng ảnh chụp sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Dễ thấy nhất là ảnh sẽ không đảm bảo độ nét, bên cạnh đó, trong một vài trường hợp sẽ cho ra ảnh chụp không đúng với thực tế.
Thiết kế của camera ẩn dưới màn hình
Về ấn tượng thị giác ban đầu, ZTE Axon 20 5G đã phần nào thể hiện được thiết kế của một smartphone đến từ tương lai. Tuy cạnh dưới hay phần "cằm" của máy vẫn còn dày, một màn hình không "khuyết tật" rõ ràng sẽ mang lại trải nghiệm nhìn ngắm rất thoáng đãng và cao cấp. Chúng ta đã từng có được cảm giác ấy với smartphone camera "thò thụt", nhưng cơ chế điều khiển bên trong khiến thân máy dày lên đáng kể, chẳng hạn Oppo Reno đời đầu dày 9mm, Oppo Reno2 9.5mm, Redmi K20 Pro 8.8mm,... Trong khi đó, ZTE Axon 20 5G có màn hình lớn 6.92 inch, viên pin 4220 mAh có độ dày chỉ 8mm.
Khi hiển thị các hình ảnh tối màu, bạn sẽ gần như không thể phát hiện ra sự hiện diện của camera ẩn dưới màn hình. ZTE đã rất khéo léo khi cài sẵn các hình nền mặc định luôn tối màu ở khu vực camera, và tính chất màu đen sâu gần như tuyệt đối của tấm nền OLED cũng giúp ích rất nhiều cho công cuộc "ẩn thân" của camera selfie.
Ở các tông màu sáng hơn, có thể nhìn thấy rõ phần màn hình ẩn camera khác biệt so với phần còn lại của nội dung hiển thị
Tuy nhiên, khi cho hiển thị các tông màu sáng, phần màn hình bị giảm số lượng bóng LED hiện lên rất rõ, nhìn thấy được từ xa. Bạn hãy nhìn hình ảnh này và tự hỏi, liệu nó và màn hình đục lỗ có khác biệt nhiều hay không? Và có đáng để đánh đổi chất lượng ảnh chụp hay không?
Chất lượng chụp ảnh từ camera ẩn dưới màn hình
Với mục đích của bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đi sâu vào chất lượng ảnh chụp camera selfie, bao gồm chế độ chụp thường (mà ZTE gọi là "tự sướng") và chế độ chụp chân dung (portrait) xóa phông. Do giới hạn thời gian, chúng tôi đã không kịp thử nghiệm cả về khả năng quay video bằng camera selfie của Axon 20 5G, nhưng về cơ bản chúng sẽ tương đồng với chất lượng ảnh chụp.
Ảnh chụp ở chế độ "tự sướng" trên Axon 20 5G, đủ sáng
Ngay cả trong điều kiện đủ sáng, ảnh "tự sướng" và chân dung của ZTE Axon 20 5G cũng chỉ ở mức dưới trung bình, thậm chí thua kém nhiều smartphone khác trong tầm giá 3 triệu đồng hiện nay. Ảnh có độ chi tiết kém, dải tương phản hẹp, và luôn tồn tại một lớp sương mờ giống như các thợ ảnh chuyên nghiệp phủ một lớp vaseline mỏng lên filter camera để tăng tính "mờ ảo" cho bức ảnh. Trong điều kiện ánh sáng bình thường, rõ ràng đó là điều mà chúng ta không mong muốn.
Ảnh chụp chế độ chân dung xóa phông, đủ sáng
Ảnh xóa phông của Axon 20 5G cũng không ổn, khi ảnh đã mờ sẵn lại càng mờ hơn do hiệu ứng xóa nền. Sự tách bạch giữa chủ thể và nền phía sau gần như không có, viền chủ thể, các khu vực như tóc, vai,... đều bị xóa lem nhem một cách vụng về. Nguyên nhân hiển nhiên là do sự thiếu hụt ánh sáng vào cảm biến, và có lẽ thuật toán xử lý ảnh của ZTE, không rõ có dùng AI hay không, chưa được tốt.
Ảnh chụp chế độ "tự sướng", ngược sáng
Ảnh chụp chế độ chân dung xóa phông, ngược sáng
Đủ sáng đã vậy, nên tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào chất lượng ảnh selfie của Axon 20 5G khi thiếu sáng và ngược sáng. Thật vậy, chỉ đứng ở trong sảnh tòa nhà, vẫn còn khá nhiều ánh sáng nhưng Axon 20 5G cho ảnh nhòe, bệt, các phần viền chủ thể xuất hiện các quầng sáng giống hiện tượng bóng mờ (ghosting effect).
Tạm kết
Trên đây, tuy mới chỉ là những trải nghiệm nhanh của VnReview về camera selfie ẩn dưới màn hình của ZTE Axon 20 5G, nhưng nó là quá đủ để cho chúng ta thấy những giới hạn của công nghệ này, cũng như những gì chúng ta phải đánh đổi khi quyết định đầu tư vào một công nghệ mới. Nếu có điều kiện, VnReview sẽ trải nghiệm sâu hơn, đưa ra những đánh giá chi tiết về toàn bộ những gì ZTE Axon 20 5G mang lại, nhưng nếu bạn mua chiếc điện thoại này đơn thuần chỉ vì công nghệ camera ẩn dưới màn hình, đừng.
Theo Vnreview.vn